Sửa đổi Luật Quy hoạch: 4 trường hợp được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa giải trình rõ thêm một số nội dung dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch mà đại biểu Quốc hội có ý kiến, đặc biệt là về vấn đề phân cấp, phân quyền và điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn.

Sửa đổi Luật Quy hoạch giúp đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch
Sửa đổi Luật Quy hoạch sẽ gỡ điểm nghẽn trong điều chỉnh quy hoạch hiện nay. Ảnh minh họa

Điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn: 2 trường hợp phải xin chủ trương điều chỉnh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo giải trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đối với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, trong phiên thảo luận tổ trước đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn và vấn đề phân cấp, phân quyền. Đây cũng là vấn đề mới nhất của dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, gỡ vào những điểm nghẽn lớn nhất trong thực tế hiện nay.  

Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, một số ý kiến đại biểu trước đó đề nghị cần quy định rõ hơn,  bổ sung các tiêu chí để kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, đảm bảo minh bạch, không phá vỡ quy hoạch chung…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dự thảo Luật đã có các quy định về vấn đề này. Cụ thể, dự thảo quy định nguyên tắc điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn tại khoản 1 Điều 54a là: Việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.  

Đồng thời, dự thảo cũng xác định rõ 4 trường hợp được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong đó, 2 trường hợp xuất phát từ những vướng mắc thực tế phát sinh trong thời gian vừa qua là: Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và các dự án quan trọng quốc gia làm thay đổi một số nội dung quy hoạch; Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm thay đổi phân kỳ thực hiện, thông số, thông tin của công trình, dự án đã được xác định tại quy hoạch. 

Ngoài ra, 2 trường hợp được kế thừa từ điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 là: Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn; Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp. Sự mâu thuẫn này là do việc lập đồng thời các quy hoạch và trường hợp khi triển khai thực hiện quy hoạch phát hiện mâu thuẫn; khi điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn phải bảo đảm không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch, khác với Điều 53 là điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn, làm thay đổi quan điểm, mục tiêu của quy hoạch.

Riêng với 2 trường hợp sau (Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn; Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp), dự thảo quy định khi điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn phải xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh.

Việc xin chủ trương điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn là để bảo đảm tính chặt chẽ của quy trình, tính thống nhất, liên kết của hệ thống quy hoạch. Mặt khác, đối với trường hợp quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp, quy trình xin chủ trương điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn cũng bảo đảm cơ sở pháp lý để người cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch xác định quy hoạch nào cần điều chỉnh căn cứ vào căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn như đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15, tránh việc xác định sai quy hoạch cần điều chỉnh, gây lãng phí nguồn lực.  

Phân cấp, phân quyền mạnh để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch

Dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi lần này bổ sung loạt quy định phân cấp,  phân quyền mạnh mẽ. Cụ thể, dự thảo sửa đổi quy định tại điều 15 Luật Quy hoạch theo hướng phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phân quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia của Quốc hội cho Chính phủ, trong trường hợp điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tăng cường phân quyền cho địa phương thông qua quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh.

Có ý kiến cho rằng, nên phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn (thay vì giao cho Chính phủ như dự thảo).

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn trong các trường hợp cần thiết, cấp bách, cần điều chỉnh ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó thủ tục cần đơn giản, rút ngắn thời gian.Nếu giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương điều chỉnh của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ phải trình Quốc hội tại Kỳ họp của Quốc hội hoặc Phiên họp của UBTVQH để xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh với trình tự, thủ tục cần nhiều thời gian, khó có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách.

Do đó, việc phân quyền cho Chính phủ sẽ giúp rút ngắn thời gian. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh các quy hoạch này vẫn là Quốc hội do đó vẫn bảo đảm thẩm quyền quyết định của Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia, phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.

Riêng về ý kiến đề nghị giao Bộ trưởng quản lý chuyên ngành phê duyệt điều chỉnh theo trình tự rút gọn đối với quy hoạch ngành quốc gia; đối với quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh theo trình tự rút gọn, dự thảo Luật không phân quyền.

Giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nội dung của các quy hoạch ngành quốc gia là các phương hướng phát triển quan trọng của quốc gia, đặc biệt là Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia. Do vậy, việc phân quyền phê duyệt cho các Bộ là không phù hợp.

Dự thảo Luật cũng không phân quyền điều chỉnh quy hoach tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với các lý do:  Theo Luật Đất đai 2024: Quy hoạch sử dụng cấp cấp tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và không phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh. Nếu phân quyền điều chỉnh quy hoach tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ không bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2024.  

Kinh phí cho hoạt động quy hoạch sẽ sử dụng nguồn chi thường xuyên

Liên quan kinh phí cho hoạt động quy hoạch, tại thảo luật tổ trước đó, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tại sao không sử dụng nguồn đầu tư công trong bối cảnh nguồn chi thường xuyên hạn hẹp.

Báo cáo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, những vướng mắc khi sử dụng nguồn vốn đầu tư công để lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được Đoàn giám sát của Quốc hội nêu tại Báo cáo số 166/BC-ĐGS ngày 27/5/2022.  

Việc lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là hoạt động của cơ quan nhà nước, có tính cấp bách và không sử dụng nhiều kinh phí, nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công và phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian.

Mặt khác, Luật Đầu tư công không có quy định về việc chia nhiệm vụ quy hoạch thành các nhiệm vụ chi khác nhau và khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước cũng quy định nguyên tắc “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”. Do đó, nguồn kinh phí cho nhiệm vụ quy hoạch tỉnh được cấp cho địa phương không thể chi cho hoạt động của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh ở cấp Trung ương (như thuê tư vấn phản biện, tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan).

Việc chi này cũng không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của hoạt động quy hoạch được quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Quy hoạch là “Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch”. Vướng mắc nói trên về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đã dẫn đến việc chậm tiến độ lập và thẩm định quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Do vậy, dự thảo Luật quy định việc sử dụng nguồn chi thường xuyên để lập, thẩm định và điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh các quy định về kinh phí cho hoạt động quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.