Bảng giá đất mới có thể tăng gấp 10 lần giá hiện tại

Theo các chuyên gia, bảng giá đất hàng năm sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên minh bạch, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến giá bán, giá thuê nhà tăng cao.

 

Tại Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”, một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 được nhiều diễn giả và khách mời quan tâm là quy định về bảng giá đất hàng năm.

Để khẳng định sức “nóng" của giá đất, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết, Dự thảo Luật Đất đai 2024 ghi nhận hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, riêng những vấn đề liên quan tới giá đất đã thu tới 1 triệu lượt ý kiến. Những con số này là bảo chứng cho thấy câu chuyện về bảng giá đất hàng năm nhận về sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại sự kiện.

Dẫu vậy, việc xác định giá đất vẫn là một “bài toán” khó. Vị chuyên gia đến từ BIDV cho biết, ngay cả các đơn vị tư vấn, định giá đất cũng đang “không dám làm việc vì sợ sai, sợ hình sự hoá”. 

“Các đơn vị tư vấn, định giá đất cần phương pháp luận hợp lý, bảo đảm thông tin xác thực. Còn về tính chính xác của giá đất thì họ không cần chịu trách nhiệm, vì đây là thứ luôn biến động”, ông Lực cho hay.

Áp lực “sợ sai" của các đơn vị định giá xuất phát từ việc thiếu nguồn thông tin về đất đai. Theo ông Lực, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản là nguồn thông tin đầu vào tốt nhất, được ưu tiên cao nhất trong số 5 nguồn thông tin, dựa theo Nghị định 71/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nguồn cơ sở dữ liệu này vẫn chưa được hoàn thành.

Trong tương lai, để có thể hiện thực hoá hệ thống dữ liệu này, các chủ thể như sàn giao dịch, doanh nghiệp bất động sản… cần tích cực đóng góp thông tin về những giao dịch địa ốc. Thậm chí, nếu trong trường hợp doanh nghiệp cố tình che giấu, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý.

Theo TS. Cấn Văn Lực, bảng giá đất hàng năm sẽ là tiền đề để việc định giá đất sát với giá thị trường, đồng thời tháo gỡ các bất cập, đặc biệt là hiện tượng hai giá. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án…

Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 20206, bảng giá đất tại một số địa phương dự kiến sẽ tăng từ 2 - 7 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với bảng giá đất hiện tại.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư bên lề Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc đưa bảng giá đất sát với thị trường chắc chắn sẽ khiến chi phí đất đai của doanh nghiệp tăng lên, từ đó khiến mặt bằng giá các dự án bất động sản cao hơn.

“Doanh nghiệp không phải nhà từ thiện, nên khó có thể yêu cầu họ hạ giá bán, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao. Để có thể “hạ nhiệt" giá bất động sản, nhà nước cần chủ động dùng vốn ngân sách để gia tăng nguồn cung, cụ thể là các dự án nhà ở xã hội, để điều tiết thị trường", ông Tuyến cho hay.