Theo Savills Việt Nam, 15 công ty Nhật Bản bao gồm Meiko Electronics, Nikkiso, Fujikin và Yamauchi đã đăng ký chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc tới Việt Nam.
Liên tiếp gia tăng nguồn cung
Trái ngược với phân khúc nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng đang chịu ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, nhưng bất động sản công nghiệp lại đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Báo cáo từ Savills Việt Nam (Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới), tính tới tháng 6/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc trong giai đoạn xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.
Với nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các tỉnh công nghiệp trọng điểm. Tỷ lệ lấp đầy tại các vùng trọng điểm tại phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã gia tăng đáng kể từ năm 2018.
Trước đó, báo cáo quý II/2020 của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý về mối quan tâm của người dùng với các thị trường tỉnh phía Bắc. Sáu tỉnh miền Bắc đứng đầu về lượng tìm kiếm là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Trong đó, Hòa Bình áp đảo so với 5 tỉnh còn lại khi đứng đầu về lượng tìm kiếm, đạt 77%, kế đó là Quảng Ninh với mức tăng trưởng 45%.
Báo cáo cũng cho thấy mức độ tìm kiếm bất động sản công nghiệp tăng mạnh ở một số khu công nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Bắc. Lượng tìm kiếm bất động sản công nghiệp tăng 32% so với mức trung bình.
Tương tự, theo JLL Việt Nam, trong quý II/2020, các chủ đầu tư tiếp tục nâng giá đất lên mức trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu phía Nam về tốc độ tăng giá, với mức giá thuê đất KCN đạt gần 180 USD/m2/chu kỳ thuê. Long An hiện giữ vị trí thứ 2 với giá chào thuê lên đến 120 USD/m2/chu kỳ thuê.
Đón sự dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savill Hà Nội nhận định: "Thị trường đang có hạn chế chính, đó là nguồn cung bất động sản công nghiệp, vì vậy các nhà phát triển bất động sản cần nỗ lực phát triển để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng tập trung vào việc phát triển các bất động sản gần sân bay, bến cảng và các tuyến đường chính".
Cũng theo ông Matthew Powell, với số lượng lớn các nhà sản xuất có dự định rời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022, các nhà phát triển cần xây dựng nhiều dự án hơn để có thể nắm bắt cơ hội và đáp ứng được các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao.
Điển hình, Đồng Nai đang có kế hoạch bổ sung thêm 8 khu công nghiệp mới. Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức, đã công bố kế hoạch xây dựng bốn khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nguồn cầu đang tăng mạnh. Xã Phước Bình sẽ có thêm hai khu công nghiệp với quy mô lên tới 900 ha và tổng diện tích khoảng 500ha. Xã Tân Hiệp và Bình An cũng sẽ lần lượt xây dựng thêm một khu công nghiệp tại mỗi xã.
Hơn nữa, các nhà phát triển "cho thuê" như Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW cũng đang trong quá trình mở rộng trong khoảng thời gian này, tăng nguồn cung ban đầu từ 130 ha trong năm 2018 lên đến gần 500 ha trong năm nay.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã loại bỏ hoàn toàn SARS và tiếp tục trở thành một tấm gương sáng giá trong công cuộc chiến đấu và ngăn chặn dịch bệnh. Hơn nữa, khi nhiều nhà sản xuất bắt đầu theo đuổi chiến lược "Trung Quốc +1" nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm, một nguồn cầu lớn sẽ hướng về các khu công nghiệp tại Việt Nam".
Sự ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam khi đối mặt với đại dịch cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, sự ổn định của môi trường kinh doanh, lực lượng lao động, chi tiêu cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và Hiệp định thương mại tự do (FTA) là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp tạo ra các cơ hội sau đại dịch.
Tình hình hiện tại dự kiến sẽ đẩy nhanh làn sóng di dời các nhà sản xuất đa quốc gia khỏi Trung Quốc. Đặc biệt cần chú ý đến các thông báo và hoạt động của Apple, Pegatron và Foxconn trong việc di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Với gói kích thích kinh tế trị giá 2,2 tỷ USD gần đây của chính phủ Nhật Bản tài trợ cho việc chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc, 15 công ty Nhật Bản bao gồm Meiko Electronics, Nikkiso, Fujikin và Yamauchi đã đăng ký chuyển địa điểm sản xuất tới Việt Nam.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), 6 trong số 15 là các công ty lớn với 9 công ty còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các công ty chủ yếu sản xuất thiết bị y tế, và phần còn lại sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, điều hòa không khí và các mô-đun điện.