Sau nhiều năm "đóng băng", thị trường bất động sản đang nhộn nhịp các nhà đầu tư tỏa đi khắp nơi "săn" nhà đất.
"Săn" nhà đất ở nơi có quy hoạch sáp nhập
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, bước sang năm 2025, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương ứng với việc bơm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng vào nền kinh tế, cộng với lãi suất cho vay cũng đã duy trì ổn định ở mức thấp sau chỉ đạo của Chính phủ đã giúp dòng vốn chảy vào nhà đất tăng mạnh trở lại.
Chưa dừng lại ở đó, pháp lý được tháo gỡ, thủ tục dễ dàng hơn đã giúp nhiều dự án bất động sản có cơ hội được triển khai, tái khởi động trở lại.
Đồng thời, nhu cầu đầu tư bất động sản cũng được kích thích khi hàng loạt dự án hạ tầng được hoàn thành, thúc đẩy triển khai, giúp đất đai ngày càng tích lũy thêm giá trị nội tại và tạo ra những khu vực tiềm năng thu hút dòng vốn.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cùng với việc điều chỉnh bảng giá đất mới, nhất là thông tin về việc sáp nhập một số địa phương cũng đã kéo một lượng lớn các nhà đầu tư lâu nay đang nằm "chờ thời" đã rục rịch quay trở lại thị trường.
Trong đó, xu hướng "săn" đất tại những khu vực có quy hoạch sáp nhập, phát triển hạ tầng là rõ rệt nhất. Tại một số địa phương có kế hoạch sáp nhập vào các tỉnh, thành phố lớn có mặt bằng giá đất cao hơn hoặc dự kiến là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập, giá đất không ngừng nhảy múa, thậm chí thiết lập đỉnh mới.
Theo đó, ở miền Bắc các khu vực đang được săn lùng có mặt bằng giá còn thấp tại các tỉnh, thành vùng ven Hà Nội, như tuyến huyện/xã tại Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng...
Ở miền Nam, các khu vực có dòng vốn hạ tầng lớn, như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đang ghi nhận làn sóng giao dịch tăng trở lại.
Cẩn trọng trước các cơn sốt ảo
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cảnh báo xu hướng "săn" nhà đất đang tăng tại một số khu vực, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trước các cơn sốt ảo, cẩn trọng những lời giới thiệu có cánh của "cò" đất, đầu nậu. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng.
Đồng thời, yếu tố thanh khoản và tạo dòng tiền từ bất động sản cũng cần được đặt lên hàng đầu. Những nơi có kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách thu hút người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.
Để thị trường phát triển theo hướng minh bạch và bền vững, tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên các cơn sốt ảo, cần có sự đồng hành, phối hợp sát sao của tất cả các bên liên quan.

Trong đó, nhà nước cần giữ vai trò cầm trịch, tăng cường công tác quản lý, giám sát. Đặc biệt là đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách hướng đến mục tiêu minh bạch hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường bất động sản.
Với đội ngũ môi giới bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản, cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện vai trò trung gian kết nối. Tuyệt đối, không vì lợi ích của cá nhân và doanh nghiệp mà tiếp tay cho các cá nhân đẩy giá, tạo sốt ảo, gây méo mó cung - cầu. Cần hiểu rõ, theo quy định của luật mới, trách nhiệm của môi giới bất động sản cũng đã được quy định rất chặt chẽ, nếu vi phạm sẽ bị truy cứu và xử phạt.
Thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản mới đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ mới, rất nhạy cảm với các yếu tố tác động. Vì vậy, tất cả các chủ thể liên quan cần lấy thị trường chung làm trọng yếu. Nếu chỉ tập trung tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn mà không quan tâm đến yếu tố dài hạn như cung - cầu, thị trường sẽ đối mặt với rủi ro điều chỉnh, gây ảnh hưởng tới tất cả các cá thể hoạt động trong thị trường.