Thị trường bất động sản phía Nam dự kiến sẽ đón nhiều dự án mới vào cuối năm 2024, nhưng vẫn còn đó nỗi lo về sức cầu.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TPHCM và các vùng lân cận ghi nhận những tín hiệu hồi phục đáng kể so với giai đoạn 2022 - 2023, nhưng không đồng đều giữa các phân khúc.
Phân khúc căn hộ tại TPHCM và vùng phụ cận ghi nhận 30 dự án mở bán trong 8 tháng, trong đó có 7 dự án mới, còn lại là giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán trước đó. Nguồn cung mới đưa ra thị trường đạt 5.378 căn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn là giai đoạn tiếp theo của các dự án, tập trung chủ yếu tại TPHCM và Bình Dương. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 76% nguồn cung mới mở bán ra thị trường, với 4.086 giao dịch thành công, giảm 22% so với cùng kỳ.
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực chạy đua cho kế hoạch ra hàng cuối năm 2024 khi thị trường đang dần hồi phục. Trong đó đáng chú ý là dòng phân khúc nhà ở giá rẻ xuất hiện trở lại ở các vùng lân cận TPHCM.
Tập đoàn Nam Long cho biết sẽ ra mắt khoảng 5.000 sản phẩm căn hộ chung cư tại Dự án Waterpoint (huyện Bến Lức, Long An). Dự án có tổng diện tích 355 ha, mức giá của sản phẩm này khoảng 1 tỉ đồng/căn. Cũng tại huyện Bến Lức, dự án mang tên Destino Centro đang được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Seaholdings đưa ra thị trường vào quý IV. Giá bán được chủ đầu tư đưa ra là 1 tỉ đồng/căn.
Còn tại TPHCM, Tập đoàn Khải Hoàn Land thì cho biết, sẽ mở bán dự án mang tên Khai Hoan Prime tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Dự án được xây dựng trên diện tích 19.730m2, với 3 block chung cư, gồm 1.257 căn hộ. Tập đoàn Gamuda land và Vingroup thì tiếp tục mở bán dự án tại TP Thủ Đức (TPHCM) với khoảng 7.000 sản phẩm. Các dự án này chủ yếu là dòng phân khúc trung cấp và cao cấp.
Nhìn vào đó có thể thấy dòng phân khúc nhà ở giá bình dân trên địa bàn TPHCM vẫn vắng bóng. Đánh giá chung về thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng lệch pha cung - cầu vẫn là vấn đề nan giải của thị trường trong thập kỷ vừa qua. Nguồn cung mới ở TPHCM chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang, thiếu vắng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu ở thực của đại đa số người dân.
Bên cạnh đó, sức cầu thị trường có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp (cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp). Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản hồi phục chậm hơn so với dự kiến, trong đó tâm lý “chờ” của nhà đầu tư được xem là nguyên nhân chính tác động đến quá trình hồi phục.
Theo TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital thì vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi thị trường trong chặng đường sắp tới. Về chính sách pháp lý, vướng mắc trong khâu cấp phép dự án vẫn tiếp tục gây sức ép lên doanh nghiệp cũng như nguồn cung mới đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ pháp lý trong thời gian qua chưa có nhiều tiến triển rõ nét đặc biệt các dự án có đất xen cài.
Theo thống kê, hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM có 126 dự án bị ảnh hưởng tiến độ pháp lý, tiến độ thi công liên quan vấn đề đất công xen cài. Mặc dù vấn đề này đã được quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP hay hiện tại là Luật Đất đai 2024, nhưng vẫn chưa thể khai thông, giải quyết một cách triệt để. Ngoài ra, khâu tính tiền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, là nguyên nhân chiếm đến 60 - 70% vướng mắc pháp lý dự án trong thời gian qua trên cả nước.
"Về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu cao. Bên cạnh đó, pháp lý dự án bị đình trệ, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay mới từ ngân hàng. Đây vẫn là vấn đề hết sức khó giải cho các chủ đầu tư hiện nay", TS Phương nêu quan điểm.