Tuy chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid -19, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn khả quan và một thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục có nhiều điểm sáng.
Chuyển động chậm nhưng chắc
Theo nhận định của CBRE Việt Nam, mặc dù kinh tế thế giới năm 2020 có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì các chỉ số kinh tế ở ngưỡng an toàn và được dự báo là ổn định.
Trong Đông Nam Á với nhiều nền kinh tế mạnh như Thái Lan, Singapore…, Việt Nam vẫn là tâm điểm của khu vực này. Theo lý giải của CBRE, tình trạng đó được cho là ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, cộng thêm dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư…, dẫn đến việc dịch chuyển hướng đầu tư, thị trường đầu tư và cả lựa chọn đối tác đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, đạt 15,67 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang dần cải thiện. Riêng trong tháng 6/2020, cả nước đã thu hút được 1,79 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 14,9% so với tháng 5/2020 và chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư thu hút được trong 6 tháng đầu năm 2020. Như vậy, vốn đầu tư đã tăng trở lại trong tháng 6/2020 sau khi giảm trong tháng 5/2020. Quy mô dự án đầu tư mới cũng tăng lên đáng kể, quy mô vốn bình quân trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD/dự án, cao hơn 67,2% so tháng 5/2020, gấp 2,4 lần so với tháng 3/2020 và 2,2 lần so với tháng 2/2020.
Theo bà Dương Thùy Dung, cán bộ quản lý cấp cao của CBRE, mặc dù việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn bị ảnh hưởng, trong tháng Sáu đã ghi nhận sự tăng trưởng, dù chậm hơn so với nhu cầu thực tế và chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.
CBRE Việt Nam đánh giá hiện FDI vào BĐS vẫn chưa nhiều và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, các dự án hạ tầng và một vài dự án nhà ở. Tuy nhiên, thị trường BĐS trong nhiều lĩnh vực thời gian tới sẽ sôi động hơn khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư FDI tham gia vào thị trường.
Phân khúc vừa túi tiền sẽ “phủ sóng”
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động BĐS như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014... đang ngày càng được sửa đổi, bổ sung, đã góp phần giúp thị trường phục hồi và tăng trưởng.
“Đó cũng chính là những thách thức mà doanh nghiệp BĐS trong nước sẽ phải đối diện. Trong đó, những ảnh hưởng từ giá vàng trong nước, trái phiếu chính phủ, chỉ số chứng khoán và cả sự chênh lệch tỷ giá giữa VND/ USD… đều bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ theo nguyên tắc của sân chơi quốc tế”, CBRE cho hay.
Cũng theo CBRE, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam nói chung và trên địa bàn khu vực phía Nam, cũng như TP. Hồ Chí Minh nói riêng, rất cẩn trọng, xem xét từng khía cạnh của dự án từ vị trí, thiết kế… đến việc chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn…
Cùng quan điểm với CBRE Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Phạm Lâm - Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS cũng cho hay, hiện quỹ đất khu trung tâm đang dần thu hẹp. Cùng với đó, hạ tầng các khu vực lân cận như Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang dần được hoàn thiện. Do vậy, sẽ có nhiều chủ đầu tư có xu hướng chuyển dịch qua khu vực xa trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn cũng đánh giá phân khúc vừa túi tiền sẽ “phủ” toàn cảnh thị trường BĐS trong thời gian tới, khi có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn vào phân khúc này. Thậm chí, đại diện một tập đoàn chuyên xây dựng dự án cao cấp cũng không ngần ngại “bật mí”, dòng sản phẩm của tập đoàn này sẽ là những dự án nằm ở phân khúc trung bình trong thời gian tới.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng đánh giá, “việc tham gia vào phân khúc trung bình của nhiều nhà đầu tư lớn cho thấy thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ định hình đúng hướng theo nhu cầu của đại đa số người lao động Việt Nam, đồng thời, cũng đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các nhà đầu tư FDI khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Điều này cũng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của thị trường bật động sản và hứa hẹn sự bùng nổ phân khúc trung bình trong thời gian tới”.