Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, nhiều khó khăn của bất động sản vẫn chờ được cơi trói pháp lý dù có các bộ luật mới: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong thực thi pháp luật mới nên tỷ lệ công việc
Nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong việc thực thi 3 luật mới về bất động sản
Tại Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm thời gian để các bộ luật mới đi vào cuộc sống.
Nhiều ý kiến cho rằng, 3 luật mới tác động đến bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng thúc đẩy tăng nguồn cung cho thị trường khi hành lang pháp lý được khơi thông. Nhất là, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án bất động sản là khoảng 70% định lượng khó khăn. Nhưng vấn đề là làm sao để 3 luật ngấm vào thị trường, qua đó, tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý, cởi trói doanh nghiệp, dự án?
Bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ: "Chúng tôi lắng nghe nhiều ý kiến của doanh nghiệp và mong chờ hơn nữa là 3 luật kể trên thấm vào cuộc sống nhanh hơn nữa. Nhưng, nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong việc thực thi pháp luật, nên tỷ lệ công việc được xử lý rất ít ỏi".
Theo ông Đính, trước thực tế này, các địa phương cần khẩn trương tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn về những quy định mới của pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản để cơ quan chuyên ngành, cán bộ chuyên trách hiểu đúng, đủ.
Đồng thời, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định này. Từ đó, tham mưu cho địa phương, các bộ, để chuẩn bị văn bản hướng dẫn sớm giải quyết vướng mắc cho người dân.
Để tạo điều kiện đẩy mạnh tăng nguồn cung mới cho thị trường bất động sản, ông Phan Đức Hiếu đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc thực thi 3 luật kể trên và Luật Đầu tư rất quan trọng nên cần thiết có một tổ thi hành. Việc chỉ ngồi giảng, nêu vướng mắc sẽ khó hiệu quả, bởi mỗi vấn đề lại thuộc thẩm quyền của một cơ quan khác nhau. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản.