Doanh nghiệp địa ốc phía Nam thay đổi chiến thuật bán hàng

Bước vào quý cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phía Nam như Bcons, Gamuda Land, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao… thay đổi chiến thuật, tiến ra Bắc để phát triển dự án và tìm kiếm khách hàng.

Bcons đang triển khai kế hoạch mở rộng tệp khách hàng. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu Dự án mới của Bcons 	ảnh: gia phú
Bcons đang triển khai kế hoạch mở rộng tệp khách hàng. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu dự án mới của Bcons. Ảnh: Gia Phú

Quyết định “Bắc tiến”

Lãnh đạo Tập đoàn Bcons mới đây tiết lộ, Bcons đang tìm kiếm đơn vị phân phối, giới thiệu các sản phẩm bất động sản của Tập đoàn tại Hà Nội.

Cụ thể, Bcons tìm đơn vị phân phối Dự án nhà phố Bcons City (5 ha, tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), gồm 22 căn nhà phố đã hoàn thiện thô; Dự án chung cư Bcons City (2.000 căn) và Dự án Bcons Plaza (1.258 căn)…

Được biết, khu nhà phố, biệt thự mà Bcons mang ra chào sàn tại Hà Nội đã được doanh nghiệp này phát triển từ năm 2022, từng được các sàn môi giới mở bán, song không thành công. Giá bán được phía Bcons đưa ra hiện nay khoảng 8 - 9 tỷ đồng/căn.

Cuối tuần trước, Tập đoàn Gamuda Land cũng tổ chức một hội thảo về cơ hội đầu tư địa ốc phía Nam tại TP. Hà Nội. Theo đại diện Gamuda Land, sự kiện này giúp doanh nghiệp quảng bá các dự án như chung cư cao cấp như Eaton Park (TP. Thủ Đức, TP.HCM), Artisan Park (Bình Dương).

Thời điểm này, thị trường Hà Nội đang khan hiếm nguồn cung mới và giá quá cao, nhà đầu tư có thể chuyển hướng để chọn nơi đầu tư thích hợp.

- Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản

Không chỉ tìm kiếm khách hàng, một số chủ đầu tư đã quyết định “Bắc tiến” để phát triển dự án. Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cho biết, doanh nghiệp quyết định thay đổi kế hoạch kinh doanh và đã tiến hành thực hiện thủ tục xin cấp phép, xây dựng dự án tại TP. Nam Định. Với dự án này, Năm Sao sẽ phát triển dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự. Ông Phùng Quang Hải, Tổng giám đốc Năm Sao cho biết, thủ tục pháp lý đang dần hoàn thiện và doanh nghiệp có thể mở bán dự án vào đầu năm 2025.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh mới đây phát đi thông báo mở bán dự án chung cư Hà Nội Melody tại Linh Đàm. Dự án có diện tích 3,28 ha, gồm 4 block chung cư cao 29 tầng, tổng số 1.857 căn hộ.

Trước đó, Tập đoàn Nam Long cũng đánh dấu sự có mặt tại thị trường phía Bắc với Dự án Nam Long Hải Phòng nằm trong Khu đô thị VSIP Hải Phòng, diện tích 21 ha, quy mô xây dựng 850 biệt thự, shophouse, nhà liền kề và 2.200 căn hộ chung cư. Nam Long cho biết, ngoài việc giới thiệu các sản phẩm tại Hải Phòng, Tập đoàn cũng giới thiệu tới khách hàng ở phía Bắc các dòng sản phẩm của doanh nghiệp được xây dựng tại các tỉnh phía Nam.

Cuộc tìm kiếm khách hàng

Thực tế, đây không phải lần đầu các doanh nghiệp phía Nam ra Bắc tìm kiếm khách hàng. Trước đây, có khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc này, nhưng không thực sự hiệu quả.

Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn Vạn Phúc ra Bắc tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm nhà phố, biệt thự tại Dự án Van Phuc City (TP. Thủ Đức, TP.HCM), tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. Tập đoàn Novaland cũng từng mở sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội vào năm 2019 để giới thiệu các dự án mà doanh nghiệp này phát triển ở phía Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản độc lập, làn sóng Bắc tiến để tìm kiếm khách hàng được các doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh trong giai đoạn này xuất phát từ thực tế thị trường phía Bắc đang “tăng nhiệt”, các dự án ở khu vực này được nhà đầu tư săn đón, tìm kiếm.

“Khách hàng ở phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng rất thực tế, nhu cầu chính của họ là đầu tư. Thời điểm này, thị trường Hà Nội đang khan hiếm nguồn cung mới và giá quá cao, nhà đầu tư có thể chuyển hướng để chọn nơi đầu tư thích hợp. Thị trường phía Nam luôn là điểm đến của các nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin về dự án tại phía Nam của các nhà đầu tư phía Bắc tương đối hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phía Nam quyết định Bắc tiến để mời gọi khách hàng là điều dễ hiểu, nhất là khi thị trường phía Nam đang khan hiếm khách”, ông Hoàng phân tích.

Ngoài ra, ông Hoàng lưu ý, văn hoá đầu tư bất động sản của hai vùng miền có sự khác biệt nhất định, vì vậy, các doanh nghiệp địa ốc phía Nam nên tìm kiểu kỹ về văn hóa đầu tư của khách hàng ở phía Bắc để nâng cao hiệu quả.

Từ kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Group chia sẻ, thực tế nhiều năm qua, lượng nhà đầu tư phía Bắc vào Nam mua bất động sản thường chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án mở bán. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, việc các doanh nghiệp địa ốc phía Nam tiếp tục ra Bắc tìm kiếm khách hàng là chiến thuật hợp lý.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của việc Bắc tiến, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong cơ cấu bán hàng, chính sách đầu tư và dòng sản phẩm. Bởi sau năm 2022 và 2023, nhiều nhà đầu tư phía Bắc vẫn “mắc kẹt” với các khoản đầu tư bất động sản ở phía Nam, trong đó đa phần là các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, nhà phố, biệt thự tại các dự án lớn.

Chính vì vậy, để chinh phục được khách hàng và nhà đầu tư phía Bắc, các doanh nghiệp cần có động thái cụ thể nhằm lấy lại lòng tin của họ.