Trong năm 2020,thị trường bất động sản vệ tinh Đồng Nai,Bình Dương liên tục sôi động hơn bao giờ hết,trong khi đó nguồn cung nhà ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh liên tục giảm sút.Theo chuyên gia nhận định,xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và dẫn dắt thị trường năm 2021.
Năm “di cư” kỷ lục
Tại buổi hội thảo chủ đề “Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản 2021” do CafeLand tổ chức, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam, cho biết trong suốt ba quý đầu năm 2020 thị trường căn hộ TP.HCM chỉ có 9.214 sản phẩm được chào bán và 8.900 căn hộ được giao dịch thành công, giảm 60% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thị trường Bình Dương đón nhận hơn 8.200 căn hộ mới, tăng gần 150% so với cùng thời điểm của năm 2019. Đây là việc trước nay chưa từng có tại thị trường này.
Không chỉ Bình Dương, những khu vực khác như Đồng Nai cũng lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp bất động sản. Nếu như Bình Dương năm qua bùng nổ căn hộ, thì Đồng Nai lại là thị trường của các đại đô thị.
Ngoài ra, các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu với vị trí có kết nối giao thông tốt về TP.HCM cũng ghi nhận thị trường bất động sản nhà ở phát triển rầm rộ trong thời gian qua.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến hầu hết đơn vị kinh doanh lo lắng. Các doanh nghiệp nhận ra rằng mình cần thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi sản phẩm để nhắm đúng nhu cầu của người mua.
Trong chiến lược của mình, ngoài cơ cấu sản phẩm, giá bán hay tiến độ thanh toán phù hợp, doanh nghiệp buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình bằng cách dịch chuyển đầu tư ra xa hơn ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM, thậm chí là các tỉnh ven biển vì thấy thế mạnh của Việt Nam là du lịch. Dù hiện tại thị trường đang khó khăn không ít do Covid-19, nhưng về lâu dài, du lịch vẫn phát triển và là cơ hội tốt cho Bất động sản nghỉ dưỡng.
Là một trong những doanh nghiệp nằm trong xu hướng dịch chuyển đi tỉnh trong thời gian vừa qua, Tổng giám đốc Phát Đạt Bùi Quang Anh Vũ đánh giá, đô thị ven TP.HCM là chiến lược của doanh nghiệp để tồn tại, thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn. Ông Vũ cho biết hiện Phát Đạt đang đầu tư dự án lớn ở Quy Nhơn (Bình Định) vì khu vực này đang phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, kinh tế, du lịch.
Xu hướng sẽ tiếp tục năm 2021
Ông Kiệt của CBRE cho rằng, di chuyển ra vùng ven không phải là xu hướng mới. Trước đây, khi thị trường bất động sản TP.HCM phát triển, sự chú ý với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương chưa nhiều. Hiện nay, TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án khiến các chủ đầu tư dịch chuyển.
“Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào. Đây là bức tranh dễ thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng”, ông Kiệt cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, đầu tư ra tỉnh là cách để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong bối cảnh thị trường TP.HCM. Còn về tiềm năng phát triển thị trường TP.HCM vẫn có, nhu cầu nhà ở vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý, sự khó khăn ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại Học Fulbright Việt Nam, cho rằng hiện tượng các doanh nghiệp lần lượt di cư về các tỉnh thành khác để phát triển dự án là diễn biến bình thường của quy luật đất lành chim đậu.
“Tôi ủng hộ khái niệm bỏ phiếu bằng chân, nghĩa là người dân và doanh nghiệp được quyền lựa chọn chỗ nào khó bỏ đi, chỗ nào tốt họ tìm đến. Điều này sẽ tạo áp lực tích cực thúc đẩy sự thay đổi cho giai đoạn phát triển mới”, ông Thành nhấn mạnh.
Giảng viên của Fulbright Việt Nam nói thêm, trong 5 năm tới, phát triển hạ tầng nếu làm tốt sẽ là cú hích thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, đầu tư du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ hơn cho các địa phương Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Lâm Đồng... Đây cũng là lý do bất động sản khu vực vệ tinh hứa hẹn tăng sức hấp dẫn trong thời gian tới.